HIỂU THẾ NÀO LÀ CHẾ ĐỘ ĂN GIẢM MUỐI VÀ CÁCH ÁP DỤNG

Đi bệnh viện chắc hẳn nhiều bạn được tư vấn nên giảm muối trong chế độ ăn nhưng mà không biết giảm là giảm thế nào, nay mình viết một bài chia sẻ về chủ đề này, bài khá dài nhà mình lưu về hoặc chia sẻ cho người cần nhé.

CÁCH NHẬN BIẾT THỰC PHẨM CHỨA NHIỀU MUỐI:

Lượng Natri trong một suất ăn nếu dưới hoặc bằng 5% (100mg) nhu cầu khuyến nghị một ngày thì thực phẩm đó được coi là có hàm lượng Natri thấp, nếu lớn hơn hoặc bằng 20% (400mg) thì được coi là có hàm lượng Natri cao, nên tránh sử dụng.

Một thìa 5 g muối có chứa khoảng 2.000 mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Thông thường 8 g bột canh = 11 g hạt nêm = 25ml nước mắm = 35ml xì dầu có chứa lượng Natri tương đương 5 g muối. Như vậy hạt nêm, nước mắm, và xì dầu chứa lượng Natri ít hơn nếu so sánh cùng một đơn vị.

Việc giảm muối trong chế độ ăn phụ thuộc rất nhiều vào các thực hành nấu nướng của người nội trợ, ngoài ra còn là thói quen lựa chọn thực phẩm và thói quen ăn uống, cũng như khẩu vị của mỗi thành viên trong gia đình. Khuyến cáo giảm muối cần tập trung vào truyền thông thay đổi hành vi, song song cùng với đó là sự rõ ràng, minh bạch trong việc ghi thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm và chính sách về nhãn thực phẩm, chính sách về giảm muối để phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

CÁC BIỆN PHÁP CHÍNH ĐỂ GIẢM MUỐI BỘ Y TẾ:

(1) Cho bớt muối: hãy giảm dần lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn

(2) Chấm nhẹ tay: hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn,

(3) Giảm ngay đồ mặn: hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên, đọc nhãn thực phẩm khi mua.

Muối ăn có công thức hóa học là NaCl. Na (Natri) là một khoáng chất thiết yếu, không chỉ giúp chúng ta ăn ngon hơn mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều muối lại gây nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ… Ngoài ra, còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.

__________________________________________

THÔNG TIN THÊM

Tại Việt Nam, theo điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình mỗi người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối/ngày, cao hơn khuyến cáo của Theo Tổ chức Y tế Thế giới là dưới 5 gam/ngày. Hiện tại cứ năm người trưởng thành tại Việt Nam thì có một người bị THA, cứ ba người tử vong thì có một người do mắc bệnh tim mạch, trong đó yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch chủ yếu là do THA, mà nguyên nhân của THA thì chủ yếu là do ăn mặn.

Với thực trạng trên, ngày 28/3/2018, Bộ y tế đã ban hành Quyết định số 2033/QĐ-BYT về phê duyệt Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.

Giảm tiêu thụ Natri làm giảm huyết áp ở người trưởng thành, có lợi cho sức khỏe, làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc, từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối và các gia vị mặn khi chế biến thức ăn, khi chấm thức ăn.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2011, có đến 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chủ yếu là từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn; 11% từ các thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7,4%. Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (tương ứng với (35.1% và 31.6%). Mì chính và muối tinh là cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7.5% và 6.1%). Trong các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền là thực phẩm có lượng muối lớn (7.5%). Dưa muối cũng đóng góp 1.4% lượng muối hàng ngày.

Ăn bao nhiêu muối là đủ

Lượng Natri ăn vào tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể chưa có con số cụ thể nhưng được ước tính chỉ vào khoảng 200 – 500 mg/ngày (tương đương 0,5 – 1,25 g muối, chưa bằng 1 thìa nhỏ).

Chế độ ăn nhạt phù hợp là cung cấp đủ lượng muối, natri mà cơ thể cần. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày (khoảng 1 muỗng cà phê), tương đương với 2g natri/ngày. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng sau cần ăn ít muối hơn:

-Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: 0,3 – 1,5g muối/ngày.

-Người cao tuổi (trên 50 tuổi): < 3,2g muối/ngày.

-Bệnh nhân mắc bệnh thận, đái tháo đường, cao huyết áp: < 3,2g muối/ngày.

#bstruongconghau#giammuoi

Contact Me on Zalo